Địa ốc rỉ rả tìm khách hàng(25/05/2012) Thêm hai cao ốc văn phòng tham gia thị trường(25/05/2012) Địa ốc Hà Nội: “Ấm” từ phía Tây?(21/05/2012) Biệt thự Chateau được chào bán với giá từ 22 - 72 tỷ đồng(21/05/2012) “Sợ” xây nhà cho thuê tại Hà Nội(11/05/2012) Chưa thu phí sử dụng đường bộ trong năm nay(09/05/2012) Nói và làm: Cứu DN, nhanh, nhiều và dễ dãi?(09/05/2012) Các dự án bất động sản phải dành đất xây nhà cho thuê(07/05/2012) Lại đề xuất xây chung cư làm nhà công vụ(07/05/2012) Ngân hàng 'khóc ròng' vì tài sản đảm bảo(02/05/2012) |
Sau hàng loạt dự báo rủi ro đe dọa kinh tế thế giới, tuần qua, các định chế tài chính quốc tế tiếp tục đưa ra những khuyến nghị cho các quốc gia nhằm duy trì đà phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng.
Hợp tác và gắn kết
Châu Âu cần tăng cường hội nhập kinh tế sâu rộng hơn để đảm bảo tăng trưởng kinh tế lành mạnh và ổn định, Quyền giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) John Lipsky khuyến cáo hôm 20/6.
Theo ông, cuộc khủng hoảng nợ công vẫn tiếp tục là nguy cơ lớn đối với triển vọng của lục địa già, từ đó đòi hỏi các nước thành viên phải tiếp tục hành động để tránh các hiểm họa khó lường và không để cuộc khủng hoảng này lây lan sang phần còn lại của thế giới.
Các nỗ lực của châu Âu nhằm đảm bảo liên minh tiền tệ năng động và có sức bật cao cần được đẩy nhanh. Trong bối cảnh hiện tại, hợp tác và gắn kết với nhau là phương cách tốt để đảm bảo châu Âu xử lý thành công cuộc khủng hoảng nợ nần.
Để hội nhập hơn nữa, ông Lipsky cho rằng, châu Âu cần tiếp tục thúc đẩy các cam kết cải tổ và điều chỉnh nền kinh tế mỗi nước, bao gồm cải tổ cơ cấu sâu rộng, đặc biệt khu vực ngân hàng, tư nhân hóa, hỗ trợ tài chính cho Khu vực đồng Euro, mở cửa thị trường cho cạnh tranh và quyền sở hữu của nước ngoài.
Tiến trình tăng trưởng kinh tế lành mạnh và ổn định cần thông qua tiến trình hội nhập và gắn kết kinh tế hơn nữa, với khuôn khổ ổn định tài chính được nhất thể hóa và tiếp tục tăng cường quản trị tốt hơn đối với nền kinh tế.
Theo ông Lipsky, các nghiên cứu của IMF cho thấy, việc châu Âu thúc đẩy đường lối hội nhập và gắn kết kinh tế lớn hơn trong Khu vực đồng Euro, sẽ hạn chế nguy cơ khủng hoảng nợ cũng như các tác động kinh tế bất lợi khác của châu Âu tràn sang các khu vực khác của thế giới.
Phối hợp chính sách
Hôm 22/6, cũng Quyền giám đốc điều hành IMF lại lên tiếng kêu gọi các quốc gia trên toàn thế giới tăng cường hợp tác và phối hợp chính sách kinh tế để thúc đẩy phục hồi nền kinh tế toàn cầu ổn định và không rủi ro.
Từ Berlin (Đức), ông Lipsky cho hay, sự bất ổn trong kinh tế toàn cầu hiện đang ở mức cao. Trong đó, đáng ngại nhất là nguy cơ kinh tế toàn cầu trở lại suy thoái đang tăng lên do nợ công châu Âu, sự thiếu ổn định của kinh tế Mỹ, Nhật và nguy cơ phát triển quá nóng của các quốc gia mới nổi.
Vì vậy, theo ông, cần phải tăng cường hành động để giữ nền kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng. Để có được điều đó, thì việc hợp tác và phối hợp chính sách kinh tế sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các nền kinh tế, một khi cải cách được thiết kế và thực hiện đồng bộ, gắn kết.
Thực tế này đã được kiểm nghiệm thành công trong tiến trình mới đây đưa nền kinh tế toàn cầu không chỉ tránh được nguy cơ chìm sâu vào khủng hoảng mà còn thoát khỏi khủng hoảng và phục hồi.
Thách thức chủ chốt đối với cộng đồng quốc tế sau khủng hoảng là duy trì sự hợp tác và phối hợp chính sách kinh tế dài hạn trong bối cảnh sự liên kết và phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế tăng lên làm cho nền kinh tế toàn cầu liên kết phức tạp hơn.
Ông Lipsky lưu ý rằng cộng đồng quốc tế đang đứng trước thách thức mới sau khủng hoảng là khôi phục tăng trưởng kinh tế mạnh, cân bằng và bền vững trong khi tăng trưởng kinh tế thế giới hiện nay vẫn không ổn định, không đồng đều và tiềm ẩn nhiều hiểm họa.
Theo ông, hiện là thời điểm thách thức nhưng cũng mở ra các cơ hội lớn để tăng cường hợp tác và phối hợp các chính sách kinh tế quốc tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu ổn định và bền vững.
Năng lượng tái sinh
Cũng trong ngày 22/6, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda đã lên tiếng đề nghị các nước châu Á tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và đầu tư lớn hơn vào năng lượng tái sinh trong bối cảnh nguy cơ khủng hoảng năng lượng đang hiển hiện.
Ông Kuroda cảnh báo, châu Á sẽ chịu tổn thất lớn nhất so với các châu lục khác do tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thắng hoặc thua trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu phụ thuộc vào quyết định hành động của chính người châu Á.
Tăng trưởng kinh tế mạnh cùng với tốc độ tăng dân số nhanh của châu Á- Thái Bình Dương đã làm nhu cầu năng lượng của châu lục này tăng nhanh nhất thế giới. ADB dự báo, nhu cầu năng lượng của khu vực sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030, trong đó dầu mỏ chiếm hơn 90% tổng năng lượng nhập khẩu.
Nếu mô hình tiêu dùng năng lượng này tiếp tục, nhu cầu năng lượng của châu Á sẽ vượt xa Bắc Mỹ và châu Âu vào năm 2050. Chủ tịch ADB cho rằng, tiêu thụ năng lượng nếu không kiềm chế, thì tình trạng thiếu an ninh năng lượng sẽ đảo ngược các thành quả chống đói nghèo mà châu Á đã vất vả giành được.
Chìa khoá để giảm sức ép về năng lượng là loại trừ trợ cấp nhiên liệu hoá thạch và chuyển mạnh sang năng lượng tái sinh. Phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch sẽ làm tăng đe dọa biến đổi khí hậu và có thể khiến hàng chục triệu người nghèo ở châu Á phải đối mặt với thiên tai, thiếu nước sạch và lương thực.
Cảnh giác rào cản
Hôm 23/6, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy đã kêu gọi các nước thành viên WTO nêu cao cảnh giác trước sức ép bảo hộ mậu dịch đang tăng lên. 6 tháng đầu năm 2011, các biện pháp này đã trở nên rõ ràng hơn.
Ông cho rằng mặc dù các biện pháp bảo hộ mậu dịch đã được kiềm chế trong giai đoạn khủng hoảng, nhưng sau đó, do nhiều căng thẳng cũng như sức ép thất nghiệp dai dẳng, kinh tế bất ổn gia tăng đã khiến các hình thức hạn chế thương mại bung nở.
Theo báo cáo giám sát thương mại năm 2011 của WTO, trong số các biện pháp hạn chế thương mại, phổ biến nhất là tăng thuế quan nhập khẩu, áp đặt các hạn chế mới về xuất khẩu, tăng các mặt hàng phải xin giấy phép nhập khẩu trong khi hạn chế cấp phép nhập khẩu tự động…
Ông Lamy cho rằng, cần ngăn chặn tình hình trở nên xấu hơn vì các biện pháp hạn chế buôn bán nói trên có nguy cơ lây lan nhanh giữa các nước, các khu vực và toàn cầu.
Ông kêu gọi đại diện các nước WTO tham gia tích cực hơn vào các hoạt động giám sát thương mại để xác định các xu thế bảo hộ mậu dịch chính, thông qua các biện pháp buôn bán, đảm bảo sự xác thực của các thông tin, sự minh bạch của các thủ tục trong hệ thống thương mại quốc tế đa phương.
(VnEconomy)